Tháng 8 với những người chuẩn bị đi du học là tháng của những háo hức pha lẫn lo âu cho hành trình trước mặt. Khi cầm được chiếc visa trên tay có thể nhiều người cảm thấy rất đỗi vui mừng, như thể vừa vượt qua được một thử thách lớn lao.........nhưng thực ra đó mới chỉ là một sự khởi đầu. Để có thể đi được hết cuộc hành trình và đạt được thành công, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn từ chính bản thân. 4-5 năm dự bị và đại học, hay 1-2 năm cao học tưởng chừng như ngắn, mà thực ra lại rất dài..........vì từ khi xách vali ra khỏi nhà, cho đến khi quay trở về..........mình đã là một con người hoàn toàn khác....
Không ai có thể hình dung hết được những gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Vậy thì nên chuẩn bị những gì để đi cùng mình đến hết cuộc hành trình?
Thứ mà mọi người nghĩ đến đầu tiên có lẽ là...đồ ăn Việt Nam và quần áo mùa đông. Đồ ăn bên Đức thường là đồ nguội: bánh mì các loại, xúc xích và bơ sữa. Những bữa cơm canh nóng hổi bên gia đình sẽ dần là.........một ước mơ xa vời! Nếu muốn nấu đồ ăn Việt Nam thì cũng có thể dễ dàng tìm được nguyên liệu ở các cửa hàng Châu Á, nhưng thường là khá đắt (thậm chí đắt hơn đồ Đức). Nhưng theo kinh nghiệm của mình, một khi đã bị cuốn vào „vòng quay“ của việc học và làm thêm thì chuyện ăn uống sẽ trở thành thứ yếu, tức là „ăn để sống“ thôi. Lâu dần cũng trở thành quen và thấy điều ấy cũng bình thường.
Trước khi đi du học mình vô cùng sung sướng sau khi „lục tung Hà Nội“ thì cuối cùng cũng tìm được một chiếc áo lông vũ dài, ấm áp. Nhưng khi sang đến Đức thì chiếc áo ấy....nhanh chóng nằm dưới đáy tủ. Từ bé đến lúc đi du học, mình chưa hình dung được cảm giác có tuyết thì nó như thế nào. Thực sự thì nó.....lạnh kinh khủng. Nếu mùa đông ở Hà Nội là cảm giác lạnh buốt, thì ở bên này lại là cái....lạnh cóng, tưởng chừng như mình sắp đóng băng. Vậy nên, theo kinh nghiệm của mình, quần áo mua ở Việt Nam chỉ đủ mặc mùa thu thôi, đến mùa đông là không đủ ấm. Cũng không cần mua boot mùa đông ở Việt Nam, vì thường là chúng sẽ không chịu nổi tuyết bên này đâu. Những thứ này các bạn nên mua ở Đức, nhiều khi có Angebot (giảm giá) thì cũng có thể mua được đồ tốt giá rẻ hơn cả ở Việt Nam. Tuy nhiên nhớ mua khăn quàng và găng tay.
Mặc dù là đi (du) học, nhưng hầu như mình không mang theo sách vở. Mẹ thương con gái đi xa nhà một mình, chuẩn bị cho con bao nhiêu là thứ, từ những vật dụng nhỏ nhất, đến nỗi con bị quá hơn 20 kg :D Vì thế, mình chỉ còn đủ chỗ để mang theo quyển từ điển Langenscheidt và quyển vở học tiếng Đức từ hồi cấp 3. Nhưng sang đến bên này thì.....tất cả mọi thứ ấy đều không cần đến nữa, ngoại trừ quyển Langenscheidt là bắt buộc dùng khi học Studienkolleg (dự bị).
Tất nhiên là các bạn nên mang theo cho mình nhiều thứ nhất, nếu có thể. Vì ở bên này, cái gì cũng phải mua bằng tiền cả, mà tiền lại ở mệnh giá khác hẳn ;)
Dù chiếc vali của bạn có đầy cỡ nào, thì những đồ vật đó cũng không thể đi theo bạn đến hết chặng đường trước mặt. Mà mình nghĩ quan trọng nhất đó là chuẩn bị cho bản thân mình một tinh thần vững vàng, lòng can đảm trước những thử thách, tinh thần lạc quan đón nhận những điều mới mẻ và hơn hết là một sự quyết tâm mãnh liệt!
Một khi đi du học, thì thế giới xung quanh mình sẽ là một thế giới khác, nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm. Cuộc sống ở đó đi lại cũng khác, phải mất một thời gian khá dài mới thông thuộc và mới có cảm giác mình làm chủ cuộc sống của mình. Ở đó mình không phải là người bản xứ, không có gia đình hay người thân, mỗi bước đi đều phải tự dò đường, nhiều lúc đi sai, phải bình tĩnh và can đảm quay đầu. Việc vừa học vừa làm là bình thường, kể cả những công việc chân tay, không được xấu hổ và phải biết cách sắp xếp thời gian để không làm nặng gánh tài chính cho gia đình, mà việc học vẫn luôn phải là trên hết.
Tuổi trẻ luôn tò mò trước những điều mới mẻ, nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm để đối phó mỗi khi cám dỗ đến. Nếu như ở nhà có bố mẹ bao bọc, thì khi đi du học, bạn chỉ có một mình. Vòng tay bố mẹ dẫu vững chắc và rộng mở, vẫn không đủ vươn xa theo con đi khắp những ngả đường. Bố mẹ có thể đưa cho bạn những lời khuyên, nhưng chính bạn mới là người đưa ra quyết định. Một quyết định sai có thể hủy hoại con đường tươi sáng phía trước, hay đưa mình tới những hướng đi mà mình không mong muốn. Dẫu có làm việc gì đi nữa, thì trước tiên cũng nên nhớ tới cái đích mà mình muốn đạt được. Việc bạn làm có giúp ích gì cho việc đạt được mục tiêu của bạn không? Hãy tự trả lời câu hỏi đó trước khi đưa ra mỗi quyết định.
Hành trình du học luôn mở ra những chân trời mới, những khám phá mới đầy thú vị, nhưng hành trình này lắm lúc cũng rất cô đơn. Dẫu biết mỗi ai khi lớn lên đều phải tự mình va chạm để định hình quan điểm, tính cách cho riêng mình, nhưng không có gia đình, những người mình thương yêu tin tưởng bên cạnh trong hành trình này nhiều khi cảm thấy thiệt thòi nhiều lắm. Chính những lời động viên của bố mẹ là động lực to lớn giúp con cái mình vượt qua được những giai đoạn thử thách trong cuộc sống, tạo cho con một sự an tâm để phấn đấu. Mặc dù bố mẹ khó lòng nhìn thấy những góc nhìn từ một nền văn hóa khác, một xã hội, một cách sống khác...., nhưng bằng tình yêu vô bờ bến, bằng kinh nghiệm sống, bằng trực giác...., bố mẹ vẫn là điểm tựa quý giá cho mỗi bước đường của con. Và chính tình yêu thương đó sẽ là thứ theo con đến hết cuộc hành trình....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét